Ba Điểm Nổi Bật Của Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp-Đổi Mới Sáng Tạo Nhật Bản: Ghi Nhận Sau Một Chuyến Đi

12 November 2018 | Đầu tháng 9-2018, chúng tôi có 9 ngày tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản. Lịch trình gồm có:

(1) Tham dự Diễn đàn Khoa học và Công nghệ trong Xã hội (Science & Technology in Society Forum). STSForum là diễn đàn quốc tế thường niên với mục tiêu tạo cơ chế trao đổi cởi mở nhằm xây dựng mạng lưới quan hệ các nhà chính trị, nhà khoa học, và nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng cũng đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống. STSForum 2018 quy tụ 1,400 nhà lãnh đạo về khoa học công nghệ, hoạch định chính sách, vận hành kinh doanh và truyền thông tới từ hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, và tổ chức quốc tế. Diễn đàn được khai mạc với bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Abe đặt ra ba từ khóa cho Diễn đàn: Đổi mới sáng tạo, Đổi mới sáng tạo, và Đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định “Đổi mới sáng tạo” là ưu tiên hàng đầu trong Chính phủ của ông. Mô hình hợp tác giữa chính phủ-trường đại học/viện nghiên cứu-doanh nghiệp (triple helix) là trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận trong khuôn khổ STSForum 2018.

(2) Tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo tại Kyoto với các buổi tham quan và làm việc cùng:

  • Trung tâm Ươm tạo Mạo hiểm tại Đại học Kyoto. Điểm độc đáo của chương trình ươm tạo tại Đại học Kyoto là đội ngũ nhân sự triển khai đều là nhân viên của các tập đoàn như Bank of Kyoto, Mitsui & Co, EY Shinnihon, và Bank of Tokyo Mitsubishi. Những người này làm việc cho chương trình ươm tạo nhưng vẫn là nhân viên của các tập đoàn. Lương và các khoản phúc lợi của đội ngũ này phần lớn do các tập đoàn chi trả.
  • Công viên Nghiên cứu Kyoto do Tập đoàn Osaka Gas đầu tư và vận hành – đây là công viên nghiên cứu tư nhân duy nhất tại Nhật Bản. Trong khuôn viên rộng lớn của Công viên, các doanh nghiệp thuê văn phòng và cơ sở hạ tầng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh từ ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp, và cơ quan xúc tiến thương mại. Doanh thu cho thuê chiếm trên 80% doanh thu thường xuyên.
  • Liên minh Sáng tạo Thiết kế do Trường Thiết kế thuộc Đại học Kyoto vận hành như một dự án thực thi theo mô hình triple helix. Tổ chức các chương trình sáng tạo mở là hoạt động chủ đạo tại đây.

(3) Tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo tại Tokyo với các buổi tham quan và làm việc cùng:

  • Finolab – khu ươm tạo các công ty fintech tại quận trung tâm tài chính của Tokyo. Finolab cung cấp khu văn phòng và không gian làm việc chung với giá ưu đãi cho các startup trong lĩnh vực fintech nhằm tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận dễ dàng tới các tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản. Nhiều tập đoàn này cũng là thành viên của của Finolab, đóng phí thành viên và cung cấp chuyên gia cố vấn (mentor) cho các startup được hỗ trợ tại Finolab. Khi startup có nhu cầu hỗ trợ từ mentor, Finolab giúp kết nối với chuyên gia và tổ chức các buổi tiếp xúc đầu tiên. Sau đó mentor và startup sẽ chủ động xây dựng kế hoạch làm việc và xác định phương thức hợp tác phù hợp.
  • Creww – công ty thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo của Nhật Bản và hỗ trợ các startup quốc tế thâm nhập thị trường Nhật Bản. Được sáng lập bởi một doanh nhân Nhật Bản đã thành công tại Silicon Valley, hoạt động của Creww gồm có (i) xây dựng Cộng đồng Sáng tạo Mở với hơn 3,500 startups đang tham gia, (ii) triển khai các chương trình tăng tốc kinh doanh được tài trợ bởi các tập đoàn, và (iii) các dịch vụ hỗ trợ kết nối và tiếp xúc với các tập đoàn và nhà đầu tư tại Nhật Bản. Creww cũng cung cấp không gian làm việc chung và thực hiện đầu tư mạo hiểm vào các startup tại Nhật Bản và bên ngoài Nhật Bản.
  • Công viên Khoa học Kanagawa (Kanagawa Sciene Park, KSP) là công viên khoa học đầu tiên và lớn nhất Nhật Bản. KSP thành lập năm 1989 với nguồn đầu tư từ chính quyền địa phương và các tập đoàn tư nhân. Vận hành tại KSP có bốn mảng chính:
  1. Cho thuê cơ sở làm việc, các phòng thí nghiệm và trang thiết bị nghiên cứu. Doanh thu từ dịch vụ thuê chiếm khoảng 85% doanh thu thường xuyên, không kể lợi tức đầu tư, của KSP.
  2. Đầu tư với vai trò cổ đông góp vốn trong 04 quỹ đầu tư mạo hiểm kể từ năm 1997. Hai trong 04 quỹ này đã đạt mức lợi suất đầu tư 442,9% và 196,7% sau khi thoái vốn khỏi doanh mục đầu tư.
  3. Cung cấp dịch vụ kết nối kinh doanh thông qua các chương trình sáng tạo mở tại các doanh nghiệp cũng như giới thiệu và môi giới chuyển giao công nghệ giữa công ty nghiên cứu và tập đoàn.
  4. Tổ chức chương trình ươm tạo kinh doanh bắt đầu bằng các khóa đào tạo phát triển ý tưởng và xây dựng mô hình kinh doanh dành cho những người đã có kinh nghiệm làm việc nhưng có mong muốn phát triển kinh doanh mới của mình.

Trao đổi và quan sát trong suốt chuyến đi ghi nhận ba điểm nổi bật dưới đây.

Thứ nhất, hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo ở các thành phố có nhiều ý nghĩa hơn hệ sinh thái quốc gia. Một trong những điểm đồng thuận trong nhiều cuộc thảo luận tại STSForum là vai trò quan trọng của các hệ sinh thái thành phố. Theo đó, nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo nên ưu tiên quy mô thành phố, không phải quốc gia. Bên cạnh điều kiện kinh tế-xã hội và bối cảnh văn hóa, hai nguyên nhân chính yếu là địa lý và mật độ.

Đa phần hoạt hỗ trợ khởi nghiệp là tự nguyện và miễn phí. Những người cố vấn khởi nghiệp (mentor) và các nhà đầu tư thiên thần (angel investors) thường bận rộn nên không thể dành nhiều thời gian cho các chuyến đi xa. Mặc dù có các công cụ hỗ trợ giao tiếp công việc trực tuyến nhưng để xây dựng mối quan hệ ban đầu thì những cuộc gặp gỡ trực tiếp luôn hiệu quả nhất. Bởi thế, trong phạm vi cùng một thành phố, các cố vấn, nhà đầu tư và nhà sáng lập có điều kiện thuận lợi để gặp gỡ nhiều hơn, tạo nên mật độ dày đặc các hoạt động và tương tác. Từ đó, những giải pháp, sản phẩm, và mô hình kinh doanh mới mẻ ra đời.

Bằng chứng hỗ trợ cho đồng thuận này là (a) Báo cáo đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tại các thành phố khác nhau trên thế giới do Startup Genome thực hiện thường niên ngày càng được sử dụng rộng rãi như nguồn tham khảo đáng tin cậy; và (b) nhiều nhà đầu tư thiên thần tại Thụy Sỹ, được mời tới chia sẻ trong khuôn khuổn chương trình Peer-2-Peer Exchange do Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) tổ chức, cùng đề cập tới một quy tắc ra quyết định đầu tư là khoảng cách giữa nhà đầu tư và trụ sở chính của startup “không quá 2 giờ bay.”

Thứ hai, mô hình Triple Helix được ca ngợi bởi mọi bên liên quan. Thảo luận tại STSForum gợi ý vai trò của từng đối tác trong mô hình như sau.

  • Chính phủ giữ vai trò hỗ trợ rủi ro giai đoạn đầu của quá trình đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần giải quyết công việc hành chính nhanh hơn với các bước đơn giản và ít thủ tục;
  • Trường đại học và cơ sở nghiên cứu là những người giải quyết các vấn đề, đưa ra giải pháp khả thi kỹ thuật. Các đơn vị học thuật cần có tư duy hợp tác với doanh nghiệp và tập đoàn công nghiệp, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ.
  • Doanh nghiệp có vai trò hoàn thiện cuối cùng của quá trình đổi mới sáng tạo: thương mại hóa. Các doanh nghiệp cần có tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn, chứ không chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.

Các vườn ươm hay trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, công viên khoa học có vị trí quan trọng trong mô hình triple helix. Những cơ sở đang vận hành gần tương tự tại Việt Nam có thể kể tới CTy TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Về mặt dịch vụ, ngoài đào tạo và cố vấn khởi nghiệp, các cơ sở ươm tạo tại Nhật Bản chú trọng kết nối kinh doanh, trinh sát công nghệ và đầu tư. Những buổi kết nối kinh doanh có thể được tổ chức như các diễn đàn sáng tạo mở, trong khi đó, việc đầu tư được sắp xếp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, nơi tập đoàn tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng có vai trò chính yếu. Các trung tâm đổi mới và ươm tạo có thể hợp tác dưới dạng cổ đông góp vốn hữu hạn (limited partner) hoặc đối tác điều hành quỹ (general partner).

Các trung tâm đổi mới và ươm tạo trước tiên được thành lập theo hình thức đối tác công-tư (Public-Private Partnership, PPP). Trong đó, các khoản tài trợ từ khu vực công (chính quyền thành phố và các trường đại học) là nguồn thu nhập chính. Đối tác tư nhân, gồm các tập đoàn lớn, dần dần tăng cổ phần của họ bằng cách tài trợ cho các hoạt động và cung cấp chuyên môn cho trung tâm hàng năm.

Trong những năm đầu tiên, nguồn thu từ việc cho thuê cơ sở làm việc, phòng thí nghiệm và thiết bị chiếm 80%, thậm chí cao hơn, doanh thu thường xuyên của các trung tâm đổi mới và ươm tạo. Những cơ sở này có thể mất 8 đến 10 năm để đạt được điểm hòa vốn. Các thông số này phù hợp với kỳ vọng đạt cân bằng thu chi sau năm thứ tám mà Swiss Innovation Park chia sẻ trong khuôn khổ Peer2Peer Exchange 2018.

Các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp Nhật Bản cũng mời các tập đoàn tham gia đóng phí hội viên nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nhân tài và công nghệ tiềm năng.

Thứ ba, đặc trưng văn hoá có ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái. Những nét đặc trưng văn hóa của thành phố, vùng miền, có ảnh hưởng đáng kể tới định hình hệ sinh thái. Chia sẻ Sorato Ijichi – người sáng lập Creww, một doanh nhân thành đạt quay về Tokyo sau khi bán công ty tại Thung lũng Silicon – rằng “Hệ sinh thái khởi nghiệp lý tưởng của Nhật Bản khác hoàn toàn so với Thung lũng Silicon” có ý nghĩa với bất kì thành phố nào khác trên thế giới./.

2 comments

Leave a comment