Fukuzawa Yukichi: Khuyến Học

19 September 2021 | Đọc lại Khuyến học của Fukuzawa Yukichi (1835-1891), có nhiều suy tư khi những điểm yếu của xã hội Nhật Bản vào những năm 187x vẫn thấy thật gần gũi với Việt Nam vào những năm 202x. Khoảng cách 150 năm mà không thấy nhiều điều khác biệt. Những nguyên lý và quan điểm Fukuzawa nêu lên vẫn đúng cho lúc này.

Hình Fukuzawa Yukichi trên tờ 10.000 Yên, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Nhật Bản

Trước tiên là đề cao thực học. Việc học quan trọng. Học để có kiến thức, có hiểu biết, và quan trọng nhất là để thực hành khôn ngoan. Học mà không thực hành thì chỉ vô ích và lãng phí. Để thực học thì cần học đều kiến thức phổ thông, đủ các môn xã hội, tự nhiên, và kỹ năng sống. Học lệch – chẳng hạn như theo phân ban, tập trung cho các môn chính, môn thi theo khối – cũng như xây nhà trên móng lệch. Nhà xây trên móng lệch khó mà bền vững.

Khi có kiến thức và biết vận dụng kiến thức đó thì cần tôi luyện “tính cách độc lập.” Fukuzawa dạy rằng: “tính cách độc lập là không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Việc của mình, mình phải tự lo giải quyết. Người có tính cách độc lập là người không bị chi phối hoặc chịu ảnh hưởng của người khác, tự mình biết phân biệt sự thể đúng sai, phải trái, không phạm sai lầm trong hành động. Người độc lập về kinh tế là người có thể sống mà không cần dựa vào sự viện trợ của người khác.”

Chỉ độc lập kinh tế thôi là chưa đủ. Mỗi người là một thành phần của xã hội. Bởi vậy, từng người đều có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Luận điểm này của Fukuzawa, thật thú vị, trùng hợp với triết lý tikkun olam của người Do Thái và cũng thể hiện vai trò của đồ thị xã hội. Sứ mạng của mỗi người khi đến với cuộc đời là làm cho cuộc đời đẹp hơn so với trước khi họ xuất hiện.

Muốn đóng góp cho xã hội cần có độc lập tinh thần. Để bắt kịp văn minh của nhân loại, cần học tập những điều tiến bộ từ thế giới bên ngoài – vốn do các quốc gia Phương Tây dẫn dắt trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng nhất nhất học theo và làm theo mọi điều từ bên ngoài thì không phải cách đúng. Làm vậy chẳng khác gì học tập theo cách học thuộc sách vở. Quan trọng là phải thực hành. Qua thực hành để suy xét cái gì đúng để theo, cái gì không đúng và không phù hợp thì bỏ qua. Và thực hành về tinh thần độc lập là thái độ dám hoài nghi, dám đặt câu hỏi, sẵn sàng tranh luận để tìm ra sự thật, tìm ra điều mới mẻ. Nhiệm vụ xây dựng độc lập tinh thần cho quốc gia, theo Fukuzawa, là của tầng lớp trí thức trung lưu, nhất là những người trong khu vực tư nhân. “Văn minh của một quốc gia, không phải do chính phủ sáng tạo từ trên xuống và cũng không phải do thường dân làm được từ dưới đưa lên. Văn minh của một quốc gia phải do tầng lớp giữa – giai cấp trung lưu – có tri thức, kiến thức, động não trước thời cuộc, suy nghĩ hợp lòng dân thực hiện.” (p.88)

Fukuzawa đề nghị giới trí thức làm các việc: (p.174)

  1. Quan sát sự vật, suy luận và đọc sách để tích lũy tri thức.
  2. Bàn bàn, tranh luận để trao đổi tri thức.
  3. Viết, diễn thuyết để mở rộng tri thức. Fukuzawa đặc biệt đề cao việc trình bày và phát triển suy nghĩ, lập luận của cá nhân qua tranh luận. Đây cũng điểm trùng lặp thú vị với nguyên tắc tranh luận của người Do Thái. Tranh luận không phải là cãi nhau. Tranh luận không phải để giành phần thắng. Tranh luận có mục đích là tìm ra sự thật. Sự thật này phải trở thành hiểu biết chung và được sử dụng làm cuộc đời tốt đẹp hơn.
  4. Nhấn mạnh vai trò của trung lưu trí thức trong khu vực tư nhân, Fukuzawa viết (p.88): “Để mọi cá nhân có thể nghiên cứu, phát minh và ứng dụng kết quả rộng rãi trong xã hội, giúp ích cho cuộc sống thì cần phải tổ chức các công ty, phải khởi nghiệp trong khu vực tư nhân. Bảo hộ và tạo mọi điều kiện cho các công ty tư nhân phát triển là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính phủ. Khai phá văn minh là công việc của khu vực tư nhân, bảo hộ là công việc của chính phủ.”

Với Fukuzawa, xã hội văn minh là xã hội có tín nhiệm, trong đó, mọi cá nhân và tổ chức đều tôn trọng pháp luật. Tôn trọng pháp luật mà Fukuzawa yêu cầu tuân thủ là chấp hành pháp luật ngay cả khi điều luật không đúng, điều luật bất hợp lý. Cần chấp hành vì luật một khi đã được thông qua thì chính là một khế ước giữa người dân và chính phủ. Do vậy, người dân cần thực hiện đúng khế ước. Khi luật bất hợp lý, người dân phải thẳng thắn góp ý, trình bày quan điểm, thuyết phục chính phủ để thay đổi và điều chỉnh. Tìm cách móc nối để trục lợi từ chính sách, tìm kẽ hở lách luật là hành vi không liêm chính. Chính phủ – cơ quan do người dân bầu ra, trao quyền – có trách nhiệm ghi nhận, lắng nghe các ý kiến, trao đổi phản hồi và điều chỉnh thích hợp.

Tín nhiệm còn cần được gây dựng giữa các cá nhân, trước tiên là trong giao tiếp. Để có tín nhiệm, Fukuzawa khuyên: (i) nói lưu loát và rõ ràng, (ii) giữ nét mặt tươi tỉnh và cử chỉ sinh động, (iii) luôn thật lòng và thành thực, (iv) tìm kiếm bạn mới và không quên bạn cũ. Khuyến khích kết giao nhiều nhưng Fukuzawa cũng lưu ý, để có bạn tốt thì không đơn giản. Không phải cứ có nhiều bạn thì sẽ có bạn tốt, nhưng không có người bạn nào thì chắc chắn không có bạn tốt.

Leave a comment