Người Do Thái Với Đổi Mới Sáng Tạo & Chủ Nghĩa Tư Bản

12 July 2021 | Người Do Thái có đóng góp đặc biệt cho tinh thần đổi mới sáng tạo và dám nghĩ dám làm trong kinh tế (nói theo ngôn ngữ hôm nay là tinh thần khởi nghiệp sáng tạo). Từ thời Trung cổ, các kỹ năng đô thị, buôn bán và tài chính của người Do Thái đã được cộng đồng Kito xung quanh học hỏi dần. Khi đó, người Do Thái không còn hữu dụng về mặt xã hội và kinh tế nữa nên thường bị xua đuổi hoặc bị phân biệt đối xử. Người Do Thái đứng trước lựa chọn: chuyển tới những vùng đất kém phát triển hơn, nơi những kỹ năng của họ vẫn còn được cần tới hoặc phát triển các phương pháp mới. Người Do Thái chọn cách sau và họ giỏi trong chuyện này (Johnson: 2020, p. 354).

Họ đi trước một bước trong cuộc cạnh tranh, hoặc bằng cách tăng hiệu suất của phương pháp hiện tại qua đó giảm giá thành, hoặc bằng cách đề ra phương pháp mới. Khi bước vào một lĩnh vực mới cũng là lúc tinh thần đổi mới sáng tạo của người Do Thái được thấy rõ nhất, thường vì đó là lúc để một thế hệ mới tiếp quản. Quan trọng không kém, người Do Thái nhanh chóng thích ứng với các hiện tượng và tình huống hoàn toàn mới.

Ngay từ nhỏ, người Do Thái đã được dạy phải duy lý. Trong mọi giai đoạn phát triển của mình, chủ nghĩa tư bản đã đi lên bằng duy lý và qua đó cải thiện sự hỗn loạn của các phương pháp hiện tại. Người Do Thái có thể làm việc này, vì trong khi (nhìn chung) vô cùng bảo thủ bên trong thế giới nhỏ hẹp và biệt lập của mình, họ lại không được dự phần trong xã hội hay gắn bó cảm xúc với xã hội nói chung, và do đó có thể nhìn truyền thống, phương pháp, thiết chế cũ của xã hội bị phá hủy mà không một chút đớn đau – quả thực có thể đóng vai trò đi đầu trong quá trình phá hủy. Vì thế, họ là những doanh nghiệp tư bản bẩm sinh. Người Do Thái đã thực hiện vô cùng hiệu quả quá trình mà Joseph Schumpeter (1883-1950) mô tả là “phá hủy kiến tạo.”

Hoạt động tài chính và thương mại của người Do Thái trong thế kỷ 18 được phân bố rộng rãi tới mức các sử gia kinh tế đến nay đôi khi vẫn muốn coi họ là lực lượng chủ chốt trong việc tạo ra hệ thống tư bản hiện đại. Ngay cả khi, người Do Thái chỉ là một trong các yếu tố tạo ra hệ thống thương mại hiện đại thì chắc chắn họ cũng là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn (Johnson: 2020, p.406-407).

Thứ nhất, người Do Thái ủng hộ cải tiến sáng tạo. Thị trường chứng khoán là một ví dụ. Đây là một cách hiệu quả và hợp lý để gây vốn và sử dụng vốn cho những mục đích tốt nhất. Các nhóm lợi ích buôn bán truyền thống phản đối vì không thể phân biệt được những dư thừa nhất thời của thị trường với tính hiệu lực cơ bản của nó. Những đổi mới tài chính mà người Do Thái tiên phong trong thế kỷ 18 và gây ra nhiều chỉ trích khi đó, lại được chấp nhận trong thế kỷ 19, và phát triển mạnh mẽ cho tới thế kỷ 21 hôm nay.

Thứ hai, người Do Thái đi đầu trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của chức năng tiêu thụ. Ở thế kỷ 18, những người có tiếng tăm trong việc buôn bán coi quảng cáo hàng hóa đến công chúng trên báo chí là việc làm đê tiện và ô nhục. Người Do Thái, ngược lại, tiên phong trong việc trưng bày, quảng cáo và khuyến mại sản phẩm. Năm 2019, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã chi riêng cho quảng cáo trực tuyến 290 tỷ USD.

Thứ ba, người Do Thái nhằm vào thị trường rộng lớn nhất có thể. Họ đề cao tầm quan trọng của nền kinh tế quy mô. Trong lĩnh vực ngân hàng và cho vay lãi thời trung cổ, người Do Thái sẵn sàng chấp nhuận lợi nhuận ít hơn để đổi lấy doanh thu lớn hơn.

Thứ tư, người Do Thái rất nỗ lực giảm giá. So với các nhà buôn có tiếng, họ sẵn sàng làm ra một sản phẩm kém chất lượng hơn, rẻ tiền hơn và bán cho một thị trường bình dân. Ở đây cần làm rõ, sản phẩm kém chất lượng hơn là so với sản phẩm bán giá cao chứ không phải sản phẩm chất lượng tồi hay sản phẩm hỏng. Một trong những kỹ thuật của tư duy sáng tạo hệ thống là lược bỏ bớt các tính năng không thiết yếu của sản phẩm mà vẫn đảm bảo giá trị khách hàng nhận được. Trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại, Trung Quốc đang làm rất tốt chính điều này.

Khả năng phá giá của người Do Thái gây nên những giận dữ và cáo buộc rằng họ làm ăn gian dối hoặc buôn hàng lậu hay hàng bị tịch thu. Trên thực tế, đó thường là một nỗ lực hợp lý hóa mất cân đối thị trường. Người Do Thái sẵn sàng buôn đồ bỏ đi. Họ biết cách dùng chúng vào việc gì. Họ chấp nhận nguyên liệu thô rẻ tiền hơn, hoặc nghĩ ra đồ thay thế và chất tổng hợp. Họ bán hàng chất lượng thấp hơn cho người nghèo vì đó là tất cả những gì người nghèo đủ tiền mua. Họ đi sâu hơn vào nền kinh tế quy mô bằng cách mở cửa hàng bách hóa bán rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Việc này khiến các nhà buôn truyền thống vốn chỉ tập trung bán một sản phẩm giận dữ, nhất là khi người Do Thái thu hút khách hàng qua cái mà giờ đây chúng ta đã quá quen thuộc “hàng bán lỗ để câu khách.” Quan trọng nhất, trong buôn bán, người Do Thái có xu hướng dễ chấp nhận hơn việc người tiêu dùng là trọng tài thương mại tối thượng, và việc doanh nghiệp ăn nên làm ra là nhờ đáp ứng lợi ích người tiêu dùng chứ không phải lợi ích phường hội. Khách hàng luôn đúng. Thị trường là quan tòa cuối cùng. Những chân lý này không nhất thiết do người Do Thái tạo ra hay chỉ có người Do Thái mới nghe theo, nhưng người Do Thái ứng dụng chúng nhanh hơn hầu hết những người khác.

Thứ năm, người Do Thái đặc biệt giỏi trong việc thu thập và sử dụng tin tức tình báo thương mại. Khi thị trường trở thành yếu tố chủ đạo trong mọi loại hình buôn bán, và khi nó phát triển thành một chuỗi các hệ thống toàn cầu, thì tin tức trở nên quan trọng hàng đầu. Đây có lẽ là yếu tố lớn nhất trong thành công về buôn bán và tài chính của người Do Thái.

Vào thời Cách mạng công nghiệp, họ đã vận hành các mạng lưới buôn bán gia đình trên một khu vực ngày càng mở rộng trong gần hai thiên niên kỷ. Họ luôn là những người viết thư đầy đam mê. Từ Leghorn, Prague, Vienna, Frankfurt, Hamburg, Amsterdam, và sau này là Bordeaux, London, New York và Philadelphia – và giữa tất cả những trung tâm này – họ điều hành hệ thống thông tin nhạy cảm và tốc độ, cho phép họ phản ứng một cách nhanh chóng trước các sự kiện chính trị và quân sự, trước các nhu cầu đang thay đổi của thị trường khu vực, quốc gia, và thế giới.

Những gia đình như nhà Lopez hay nhà Mende ở Bordeaux, nhà Carcere ở Hamburg, nhà Sassoon ở Baghdad vận hành các chi nhánh ở nhiều thành phố, nằm trong số những người thạo tin nhất thế giới từ khá lâu trước khi nhà Rothschild thành lập mạng lưới thương mại của riêng mình. Khi đã biết tới lịch sử này, thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những hàng truyền thông có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế toàn cầu như Bloomberg hay CNBC đều do người Do Thái sáng lập và sở hữu.

Thương mại truyền thống kiểu Trung cổ có xu hướng bị thiệt hại do cái mà cho đến ngày nay được gọi là “ngụy biện vật chất,” cho rằng hàng hóa có một giá trị cố định và tuyệt đối. Trên thực tế, giá trị thay đổi theo thời gian và không gian. Thị trường càng lớn, khoảng cách càng lớn thì giá trị thay đổi càng nhiều. Đưa đúng loại hàng hóa đến đúng nơi, đúng lúc là bản chất của thành công thương mại. Điều này khi nào cũng vậy. Nhưng vào thế kỷ 18, kích cỡ và quy mô thị trường gia tăng khiến nó trở nên tối quan trọng. Nó củng cố ý nghĩa của việc ra quyết định chiến lược trong kinh doanh. Quyết định dĩ nhiên phản ánh chất lượng thông tin có được trong quá trình ra quyết định. Đó là chỗ các mạng lưới Do Thái ghi điểm.

Vì những lý do trên, đóng góp của người Do Thái cho việc tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại hoàn toàn tỉ lệ nghịch với dân số của họ. Chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ diễn ra nếu không có họ. Ở một số nơi, họ yếu ớt hoặc không có mặt. Họ đóng góp một phần trực tiếp rất nhỏ, chẳng hạn trong giai đoạn đầu của Cách mạng công nghiệp Anh. Trong một số lĩnh vực – gây vốn quy mô lớn chẳng hạn – họ rất mạnh. Gia tộc Rothchild được ghi nhận như nhà tài trợ vốn lớn nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Với cuộc Cách mạng thông tin của thế kỷ 21, tỷ phú Masayoshi Son công khai tham vọng làm điều tương tự với Softbank – tập đoàn có giá trị tài sản ròng 235 tỷ USD vào cuối tháng 3/2021 với tỷ suất hoàn vốn nội bộ 43% mỗi năm trong suốt 25 năm.

Nhìn chung, người Do Thái mang mang tới hệ thống kinh tế thế kỷ 18 một tinh thần hợp lý hóa mạnh mẽ, một niềm tin rằng những cách làm hiện tại chẳng bao giờ là đủ tốt, và rằng những cách làm tốt hơn, dễ hơn, rẻ hơn, nhanh hơn có thể và phải được tìm ra. Chẳng có gì khó hiểu về nền thương mại của người Do Thái, cũng chẳng có gì thiếu trung thực, chỉ đơn giản là lý trí (Johnson: 2020, p.411).

4 comments

Leave a comment