Platform Revolution: Cuộc Cách Mạng Nền Tảng

31 January 2018 | Platform Revolution gợi nhiều câu hỏi và suy nghĩ ngay từ những trang đầu.

Ba tác giả Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, và Sangeet Paul Choudary đã trình bày với độc giả lý do không thể bỏ qua Platform Revolution: Cuộc cách mạng nền tảng trong chương đầu tiên của cuốn sách. “Nếu bạn có hứng thú với việc xây dựng cho chính mình một doanh nghiệp theo mô hình nền tảng, hay mong muốn tận dụng sức mạnh của nền tảng để điều chỉnh một tổ chức hiện tại thì cuốn sách này sẽ đóng vai trò như một cuốn cẩm nang giúp bạn thoát khỏi những mối rắc rối trong thiết kế, xây dựng, quản lý, điều hành và phát triển một nền tảng thành công. Và nếu việc vận hành một doanh nghiệp nền tảng không dành cho bạn, bạn sẽ học được cách làm thế nào mà sự phát triển của nền tảng có thể ảnh hưởng đến bạn như một doanh nhân, một chuyên gia, một người tiêu dùng và một công dân, và cách làm thế nào để bạn có thể tham gia vui vẻ (và có lợi nhuận) trong nền kinh tế do nền tảng thống trị.”

Sự khác biệt giữa nền tảng và hạ tầng (hay mạng lưới hoặc đồ thị) xã hội liệu có phải là tính thương mại (hay giao dịch)?
Platform Revolution (p.24): “Nền tảng là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo-nên-giá-trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng. Nền tảng cung cấp một cơ cấu hạ tầng mở và tính hỗ trợ cho những tương tác này và thiết lập các trạng thái điều hành cho chúng. Mục đích tổng thể của nền tảng: để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia.”

Dù câu trả lời có là gì thì trước tiên và trên hết vẫn là “tạo giá trị.” Giá trị thực sự mới là đảm bảo tốt nhất cho dòng tiền bền vững. Lưu ý với những người làm kinh doanh: (i) tạo ra giá trị và (ii) được trả tiền để tạo ra giá trị đó. (i) và (ii) quan trọng như nhau và người làm kinh doanh phải biết điều chỉnh cân bằng và tối ưu nguồn lực.

Cũng giống như hạ tầng hay mạng lưới hoặc đồ thị xã hội, nền tảng được tạo nên bởi các kết nối, bao gồm và có lẽ cũng quan trọng nhất là kết nối con người. Quan hệ giữa các kết nối (một chiều, đối ngẫu, nhiều chiều) muốn bền vững cần có niềm tin. Sự đa dạng và có thể thay đổi vị trí của các bên trong kết nối tạo ra một cơ chế kinh doanh mới so với cơ chế kinh doanh kiểu đường ống tuần tự. Với nền tảng, người sử dụng (user) cũng đồng thời là khách hàng và là người đại diện cho hai bên mua và bên bán (trong giao dịch). Đây chính là đặc tính khiến cho việc định giá các nền tảng cần có những điều chỉnh thích hợp cho dòng tiền bởi bên cạnh các giả định về cung, cầu và thanh toán còn cần ước lượng các tác động của hiệu ứng mạng.

Hiệu ứng mạng
Hiệu ứng mạng đề cập đến tác động mà số lượng người dùng của một mô hình nền tảng có được, dựa trên giá trị được tạo ra cho mỗi người. Hiệu ứng mạng tích cực đề cập đến khả năng tạo ra giá trị đáng kể cho mỗi người dùng của một cộng đồng nền tảng lướn được quản lý tốt. Hiệu ứng mạng tiêu cực đề cập đến khả năng làm giảm giá trị được tạo ra cho mỗi người dùng của một cộng đồng nền tảng bị quản lý kém. (Platform Revolution, p39)

Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu là thuật ngữ được hai chuyên gia chịu trách nhiệm phổ biến khái niệm về các hiệu ứng mạng là Hal Varian – nhà kinh tế học của Google – giáo sư kinh doanh Carl Shapiro sử dụng. Ngược lại với tính kinh tế theo quy mô về lượng cung, tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu tận dụng các cải tiến công nghệ ở phía cầu, một nửa còn lại của sự cân bằng lợi nhuận từ phía cung. Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu bị chi phối bởi hiệu ứng trong các mạng xã hội, sự tổng hợp nhu cầu, phát triển ứng dụng cùng các hiện tượng khác khiến cho các mạng càng lớn thì càng có giá trị đối với người dùng. Chúng có thể cung cấp cho ông trùm trên thị trường nền tảng một lợi thế hiệu ứng mạng lớn đến mức khiến cho các đối thủ cạnh tranh cực kỳ khó vượt qua. Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu là nguồn gốc cơ bản của hiệu ứng mạng tích cực, và đó cũng là tác động chính chi phối giá trị kinh tế trên thế giới ngày nay. (Platform Revolution, p.41)

Các tác giả đã kiểm chứng hàng chục trường hợp thành công và thất bại của các công ty nền tảng và nhận thấy rằng thất bại chủ yếu là do dựa vào các hiệu ứng giá cảhiệu ứng thương hiệu [chứ không phải hiệu ứng mạng tích cực]. Thành công có được dựa trên một ý tưởng thực sự có hiệu quả, đó là đẩy mạnh lưu lượng truy cập của một nhóm người dùng nhằm lấy lợi nhuận từ một nhóm người dùng khác. (Platform Revolution, p.47) Sự ghi nhận này nhắc nhở sai lầm không hiếm gặp của các nhà sáng lập: không phải mọi thứ bạn tạo ra đều là sản phẩm [có thể bán lấy tiền và thu lợi nhuận] của bạn.

Tương tác cốt lõi
Các tương tác trên nền tảng, giống với bất kỳ sự trao đổi kinh tế hoặc xã hội nào, diễn ra với người sản xuất và người tiêu dùng của ba thứ: thông tin, hàng hóa hoặc dịch vụ, và tiền tệ.

Thiết kế của mỗi nền tảng bắt đầu với tương tác cốt lõi. Tương tác cốt lõi là hình thức hoạt động quan trọng nhất diễn ra trên nền tảng – sự trao đổi giá trị thu hút hầu hết người dùng tham gia vào nền tảng trong giai đoạn đầu tiên. Tương tác cốt lõi bao gồm ba thành phần: người tham gia, đơn vị giá trị, và bộ lọc. Mục đích cơ bản của nền tảng là tạo thuận lợi cho tương tác cốt lõi.

  1. Người tham gia vào tương tác cốt lõi bao gồm: (i) người sản xuất – người tạo ra giá trị; và (ii) người tiêu dùng – người tiêu thụ giá trị đó.
  2. Đơn vị giá trị là cơ sở để bắt đầu tương tác. Đơn vị giá trị do nhà sản xuất tạo ra.
  3. Bộ lọc giúp các đơn vị giá trị dược phân phối đến những người tiêu dùng nhất định. Bộ lọc là một công cụ phần mềm thuật toán, được nền tảng sử dụng để tìm kiếm và cho phép trao đổi các đơn vị giá trị thích hợp giữa những người dùng. Một bộ lọc được thiết kế hiệu quả phải đảm bảo rằng người dùng sẽ nhận được các đơn vị giá trị có liên quan và mang lại giá trị cho họ. Một bộ lọc được thiết kế kém (hoặc không có bộ lọc) sẽ khiến người dùng bị ngập trong các đơn vị giá trị không có sự liên quan và không có giá trị đối với họ – điều này gây ra bất tiện lớn khiến họ rời bỏ nền tảng.

Cấu trúc cơ bản của nền tảng:
Người Tham gia + Đơn vị Giá trị + Bộ lọc –> Tương tác Cốt lõi

Việc quan trọng là phải thiết kế nền tảng cẩn thận sao cho những tương tác thỏa mãn được số đông người tham gia. Nhưng điều quan trọng không kém là phải dành chỗ cho những may mắn và bất ngờ, bởi vì chính người dùng sẽ tìm ra những cách mới tạo ra giá trị trên nền tảng này. (Platform Revolution, p. 91)

Tác động của mô hình nền tảng với giá trị
Mô hình nền tảng tạo ra ba tác động với giá trị:

  1. Tái định hình quá trình tạo giá trị để khai thác những nguồn cung mới. Ví dụ: người dùng là người cung cấp nội dung.
  2. Tái định hình sự tiêu thụ giá trị thông qua kích hoạt các dạng hành vi tiêu dùng mới.
  3. Tái định hình quá trình quản lý chất lượng thông qua quản lý dựa vào cộng đồng.

Tác động của mô hình nền tảng tới cấu trúc kinh doanh
Cấu trúc kinh doanh chịu ba tác động từ mô hình nền tảng:

  1. Tách tài sản ra khỏi giá trị của nó. Nói cách khác là tách quyền sở hữu tài sản ra khỏi quyền sử dung hay khai thác giá trị mà nó tạo ra.
  2. Tái thiết lập trung gian môi giới. Không chỉ xóa bỏ trung gian (giảm chi phí và ma sát trong giao dịch), các nền tảng còn tạo ra các nhà trung gian kiểu mới, khai thác tài nguyen trên chính nền tảng, tạo thêm giá trị cho nền tảng và mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua trên nền tảng.
  3. Tập hợp thị trường. Nền tảng giải quyết vấn đề phân mảnh thông tin trong các ngành và thị trường. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện ra quyết định tối ưu.

Tám chiến lược xây dựng một nền tảng thành công
Các mô hình kinh doanh nền tảng có chung một thách thức: bài toán con gà-quả trứng. Để giải quyết, có thể lựa chọn hoặc kết hợp nhiều chiến lược sau đây.

1. Chiến lược “chạy theo con thỏ”
Hãy thực hiện thành công một dự án thử nghiệm không theo mô hình nền tảng nhằm thu hút cả người dùng và nhà sản xuất tham gia vào một nền tảng mới được dựng lên trên chính cơ sở hạ tầng đã được chứng minh từ dự án thử nghiệm.

Về cơ bản, chiến lược này bao gồm ba kỹ thuật:

  • (i) Tạo ra giá trị gia tăng. Những người quản lý nền tảng lên kế hoạch ưu tiên cho việc tạo ra các giá trị thu hút một nhóm người dùng hoặc nhiều nhóm người dùng, cho họ thấy được những lợi ích tiềm ẩn khi tham gia nền tảng. Khi những người dùng ban đầu này tạo ra được nhiều đơn vị giá trị hơn họ sẽ thu hút những người khác tham gia vào nền tảng, cứ như vậy sẽ tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực, từ đó dẫn đến sự phát triển liên tục của nền tảng.
  • (ii) Thiết kế nền tảng thu hút một nhóm người dùng. Nền tảng cần được thiết kế ra để cung cấp những công cụ, sản phẩm, dịch vụ, hoặc những lợi ích khác có khả năng thu hút một nhóm người dùng, hoặc người tiêu dùng, hay nhà sản xuất. Khi số lượng người dùng đủ lớn ở một bên của thị trường mua bán, nó sẽ thu hút người dùng ở chiều bên kia, điều này sẽ dẫn đến vòng lặp phản hồi tích cực.
  • i. Để bắt đầu, nền tảng cần tạo ra những điều kiện thuận lơi mà từ đó các đơn vị giá trị được tạo ra có liên quan mật thiết đến người dùng, nhất là khi quy mô tổng thể của mạng lưới còn nhỏ. Sau đó, cần cố gắng khuyến khích nhiều hoạt động diễn ra trên nền tảng, từ đó sẽ thu hút được đồng thời một số lượng đủ lớn cả người tiêu dùng và nhà sản xuất tham gia vào quá trình tạo ra nhiều hơn nữa các đươn vị giá trị và các tương tác tạo ra giá trị, nhờ vậy hiệu ứng mạng bắt đầu phát huy tác dụng.

Ba kỹ thuật trên có thể dùng độc lập với nhau hoặc có thể sử dụng cùng với nhau, và những sự kết hợp giữa ba kỹ thuật này có thể hoạt động hiệu quả trong những hoàn cảnh nhất định.

2. Chiến lược cộng sinh
Đây là chiến lược mà trong đó nền tảng mới xây dựng được kết nối với cơ sở dữ liệu người dùng đã có sẵn ở một nền tảng khác và từ đó bắt đầu quá trình tạo ra các giá trị thu hút người dùng tham gia vào nền tảng mới.

3. Chiến lược ươm mầm
Hãy tạo ra các đơn vị giá trị có liên quan mật thiết đến ít nhất một nhóm đối tượng người dùng tiềm năng. Khi nền tảng đã lôi cuốn được sự tham gia của nhóm người dùng này thì những nhóm người dùng khác cũng sẽ muốn tham gia vào quá trình tương tác tạo ra giá trị trên nền tảng, như một kết quả tất yếu.

Trong một vài trường hợp, các công ty hoạt động theo mô hình nền tảng sẽ tự đảm nhiệm vai trò tạo ra giá trị trên nền tảng bằng cách trở thành những người sản xuất đầu tiên. Ngoài việc khởi động nền tảng, chiến lược này còn cho phép người sở hữu nền tảng định nghĩa về các loại đơn vị giá trị cũng như chất lượng của nhwgnx đơn vị giá trị mà họ muốn thấy trên nền tảng, từ đó khuyến nghị phát triển một văn hóa đóng góp có chất lượng cao từ những nhà sản xuất tham gia vào nền tảng sau này.

4. Chiến lược tận dụng sự nổi tiếng
Cung cấp những ưu đãi để thu hút những thành viên thuộc một nhóm người dùng quan trọng tham gia vào nền tảng.

Trong nhiều trường hợp, có một nhóm người dùng có vai trò rất quan trọng đến mức việc họ tham gia vào nền tảng sẽ tạo nên thành công của nền tảng hoặc phá vỡ thành công của nó. Vì thế, có thể rất hợp lý nếu người quản lý nền tảng khuyến khích sự tham gia của những người này thông qua khoản tiền thưởng hoặc những lợi ích đặc biệt khác.

Đôi khi, sự thành công của nền tảng đến từ sự tham gia của khách hàng hơn là nhà sản xuất, những người này có vai trò sống còn đối với nền tảng.

5. Chiến lược một phía của thị trường
Hãy tạo ra một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại lợi ích cho một nhóm người dùng rồi sau đó chuyển doanh nghiệp này theo mô hình nền tảng bằng cách thu hút nhóm người dùng thứ hai là những người muốn tương tác với nhóm người dùng đầu tiên.

6. Chiến lược truyền bá thông qua nhà sản xuất
Hãy thiết kế nền tảng của bạn trở nên hấp dẫn các nhà sản xuất, từ đó họ sẽ khuyến khích khách hàng của họ trở thành người dùng trên nền tảng của bạn.

7. Chiến lược phát triển đột phá về số lượng người dùng
Hãy dùng một hoặc nhiều chiến lược marketing đẩy truyền thống để thu hút lượng lớn người dùng quan tâm và tham gia vào nền tảng. Điều này kích hoạt hiệu ứng người dùng ồ ạt tham gia vào nền tảng, giúp tạo ra một mạng lưới được phát triển hoàn chỉnh gần như ngay lập tức.

8. Chiến lược thị trường vi mô
Bắt đầu bằng việc tập trung vào một thị trường nhỏ, nơi đã có sẵn thành viên đang tham gia tương tác. Điều này cho phép nền tảng cung cấp những tính năng kích thích tương tác hiệu quả cho một thị trường lớn, ngay cả khi nền tảng đang trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển.

Phát triển lan truyền: Cơ chế xây dựng nền tảng từ người dùng đến người dùng
Một trong những cách mạng mạnh mẽ nhất tăng tốc độ phát triển nền tảng là thông qua sự phát triển lan truyền. Chiến lược phát triển lan truyền có thể bổ sung cho bất kỳ chiến lược xây dựng nền tảng nào.

Sự phát triển lan truyền là quá trình dựa trên chiến lược marketing kéo, khuyến khích người dùng nói về những nội dung trên nền tảng để lan truyền nó đến khách hàng tiềm năng. Khi nào chính người dùng mạng lưới sẽ trở thành động lực phát triển cho chính mình.

Bốn yếu tố cần thiết để bắt đầu quá trình phát triển lan truyền cho một doanh nghiệp nền tảng bao gồm: người gửi, đơn vị giá trị, mạng lưới bên ngoài, và người nhận.

Nếu như bạn là người quản lý nền tảng, bạn mong muốn đạt được sự phát triển lan truyền giống như Instagram, Airbnb và OpenTable, bạn cần phải thiết kế những quy tắc và công cụ khởi động chu kỳ phát triển này. Mục tiêu của bạn là phải thiết kế một hệ sinh thái mà ở dó người gửi mong muốn chuyển những đơn vị giá trị thông qua mạng lưới bên ngoài đến với một lượng lớn người nhận. Kết quả cuối cùng là nhiều người trong số những người nhận này trở thành người dùng của nền tảng mà bạn đang xây dựng.

Người gửi
Làm cho người gửi lan truyền những đơn vị giá trị không giống như cách truyền miệng phổ biến trong marketing truyền thống. Truyền miệng xảy ra khi người dùng rất thích nền tảng của bạn, vì thế họ không ngừng nói về nó. Khi người dùng trở thành người gửi và lan truyền những đơn vị giá trị, họ không nói về nền tảng của bạn mà họ lan truyền chính những gì họ đã tạo ra trên nền tảng, qua đó gián tiếp tạo ra sự nhận biết về nền tảng cũng như sự quan tâm đến nền tảng của bạn.

Nhìn chung, người dùng lan truyền những đơn vị do chính họ tạo ra để có được những phản hồi xã hội, từ đó mang lại cho họ niềm vui, danh tiếng, sự thỏa mãn hoặc là tài sản, cũng có thể là một số kết hợp những phần thưởng này. Những người có kênh YouTube quản bá những video của mình trên nhiều mạng lưới bên ngoài để có được khán giả; những người tạo bài khảo sát trên SurveyMonkey lan truyền những bài khảo sát của họ thông qua email, trang blog và mạng xã hội để có hồi đáp cho những khảo sát này, giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc cho câu hỏi mà người tạo ra khảo sát đang cố gắng đi tìm câu trả lời; những người gọi vốn tài trợ trên Kickstarter lan truyền dự án của họ trên các mạng xã hội nhằm thu hút được số tiền cần thiết để hoàn thành dự án của họ, cũng như có được khán giả mà họ hy vọng sẽ đánh giá cao thành phẩm của họ.

Đây là ví dụ minh họa cách thức mà nền tảng được thiết kế tạo ra sự khuyến khích người dùng chia sẻ tự nhiên. Theo quy định, những người thiết kế nền tảng cần phải tránh ngăn cản sự lan truyền của các đơn vị giá trị. Hành động gửi gửi nhwgnx đơn vị giá trị này trên những mạng lưới bên ngoài như Facebook không được làm mất sự tập trung của người dùng trên nền tảng, mà ngược lại nên được tích hợp vào tiến trình hoạt động của nền tảng. Điều này liên kết với lợi ích chính của nền tảng càng chặt chẽ thì nền tảng càng có cơ hội được lan truyền rộng rãi.

Một nền tảng cũng có thể cung cấp những ưu đãi không tự nhiên (nhân tạo) để khuyến khích hành vi lan truyền giá trị, nhưng chúng cần phải được cấu trúc một cách cẩn thận. Ví dụ như tiền thưởng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tiền mặt nếu nền tảng đạt được sự phát triển lan truyền. Dropbox là một dịch vụ đám mây nổi tiếng, cung cấp dịch vụ lưu trữ và chia sẻ tập tin dữ liệu. Nó đã làm tốt việc cấu trúc hệ thống ưu đãi không tự nhiên, khi tặng không gian lưu trữ miễn phí cho cả người nhận và người gửi khi người nhận đăng ký trở thành người dùng Dropbox. Vì phần thưởng cho việc lan truyền dịch vụ của Dropbox không được trả bằng tiền mặt, cách thức có thể làm rỗng két của công ty – mà được trả bằng cơ hội dùng dịch vụ của Dropbox nhiều hơn nữa, vì thế sẽ kích thích xa nữa và khuyến khích người dùng sử dụng nền tảng Dropbox nhiều hơn bao giờ hết.

Đơn vị giá trị
Đây là đơn vị lan truyền cơ bản – hiện thân cho việc sử dụng nền tảng, thứ có thể được lan truyền các mạng lưới bên ngoài và chứng minh cho giá trị của nền tảng. Nhưng không phải tất cả các đơn vị giá trị của nền tảng đều có thể được lan truyền. Ví dụ như, những người dùng của một nền tảng doanh nghiệp được thiết kế để trao đổi tài liệu độc quyền giữa các đối tác của công ty sẽ không muốn lan truyền những thông tin bí mật trên Instagram chia sẻ hình ảnh. Vì vậy, việc thiết kế các đơn vị giá trị có thể lan truyền được là một bước cực kỳ quan trọng.

Một đơn vị giá trị được lan truyền có thể là một đơn vị giá trị giúp khởi động quá trình tương tác trên một mạng lưới bên ngoài, như cách làm những tấm hình trên Instagram tạo ra những cuộc bàn luận trên Facebook giữa những người dùng thích thú với chúng. Hoặc nó có thể tạo ra cơ hội hoàn thành một tương tác chưa hoàn chỉnh, như cách một câu hỏi chưa được trả lời trên trang Quora, được chia sẻ trên trang SurveyMonkey với lời mời mọi người trả lời nó bằng một câu trả lời hay một khảo sát mới. Việc tạo điều kiện thuận lợi để người dùng tạo ra và chia sẻ những đơn vị giá trị sẽ giúp cho bạn xây dựng được một nền tảng phát triển lớn mạnh, có mức độ tham gia cao.

Những nền tảng không có chức năng tạo ra những đơn vị giá trị có thể lan truyền được thì không thể có được sự phát triển lan truyền. Người quản lý của những nền tảng này sẽ phải dùng cách tiếp cận khác để có được sự phát triển này.

Mạng lưới bên ngoài
Có nhiều nền tảng phát triển dựa vào những mạng lưới khác. Instagram, Twitter, Zynga, Slide và các nền tảng khác nữa đều đạt được sự phát triển lan truyền bằng cách dựa vào Facebook như một mạng lưới cơ bản. Airbnb lan truyền dịch vụ của nó trên Craiglist. OpenTable lan truyền dịch vụ của nó thông qua email.

Tuy nhiên, dựa vào mạng lưới bên ngoài không chỉ đơn giản là tạo ra một nút “Chia sẻ trên Facebook” và ngồi chờ hàng triệu người dùng thự hiện hành động này. Những mạng lưới bên ngoài thường tạo ra những giới hạn khi có ngày càng nhiều ứng dụng dựa vào chúng để phát triển. Ví dụ như, Facebook đã thực hiện chính sách hạn chế những ứng dụng trò chơi (gaming app) do những công ty bên ngoài cung cấp cho người dùng Facebook. Trong một số trường hợp khác, người dùng bị choáng ngợp trước rất nhiều lời mời liên tục được gửi đến từ những nhà sản xuất bên ngoài, thúc giục họ dùng thử các sản phẩm hoặc dịch vụ, khiến cho người dùng mệt mỏi và dừng trả lời những lời mời kiểu này. Để tránh những kết quả không tốt như vậy, các nhà quản lý nền tảng mới cần phải có chiến lược trong việc xác định đúng những mạng lưới bên ngoài có thể sử dụng để phát triển nền tảng. Họ cũng cần tìm ra những cách thức tạo ra giá trị gia tăng đầy sáng tạo để kết nối những người dùng của mình.

Người nhận
Khi người dùng của một nền tảng gửi một đơn vị giá trị tới bạn bè hoặc người quen của họ, người nhận sẽ phản hồi lại nếu nhận thấy đơn vị giá trị này có liên quan đến họ, nó thú vị, hữu ích, có tính giải trí hoặc có các giá trị khác. Khi những đươn vị giá trị này có được sức hấp dẫn đủ lớn, người gửi lại tiếp tụ lan truyền nó, đôi khi lại tạo ra những tương tác mới trên những mạng lưới khác nữa. Những công ty truyền thông như Upworthy và BuzzFeed đã phát triển dựa trên sức mạnh của sự lan truyền mà người tiêu dùng đã tạo ra.

Vì những đơn vị giá trị được tạo ra bởi người dùng, do đó những người quản lý nền tảng có quyền kiểm soát rất hạn chế đối với chúng. Instagram không lựa chọn hình ảnh hoặc chỉnh sửa những tấm hình này để làm cho chúng trở nên thu hút hơn. YouTube không chỉ đạo hoặc biên tập video của người dùng. Facebook không quản lý những bài viết của người dùng để có thể loại bỏ những nội dung nhàm chán. Tuy nhiên, đôi khi một nền tảng cũng có thể định hướng người dùng để tạo ra những đơn vị giá trị hấp dẫn hơn đối với người nhận. Ví dụ, Instagram cũng khuyến khích người dùng đánh dấu những tấm hình riêng biệt và có liên quan bằng thẻ hashtag (dấu #).

Các nhà quản lý nền tảng có thể kết nối đơn vị giá trị với thông điệp kêu gọi hành động – một thông điệp đảm bảo rằng người nhận có thể nhận ra đây chính là nền tảng mà đơn vị giá trị được gửi đi và từ đó nhận ra cơ hội tham gia nền tảng này. Khi Hotmail lần đầu lan truyền, nó gắn thêm vào phần cuối của mỗi email một thông điệp: “Tái bút, tôi yêu bạn. Hãy nhận ngay một tài khoản email MIỄN PHÍ tại Hotmail.” Ở thời điểm đó, cung cấp email miễn phí cho người dùng là một lời mời hấp dẫn và mới mẻ, thông điệp đơn giản này đã thu hút được hàng nghìn người dùng tham gia.

Không phải mọi nền tảng mới ra đời đều có cơ hội đạt được sự phát triển lan truyền. Những nếu có, nó sẽ giúp cho nền tảng phát triển chậm nhưng mở rộng một cách vững chắc và tiếp đến là có được sự phát triển tăng vọt. Khi đó, nền tảng sẽ trở thành một hiện tượng trong nước hoặc trên toàn cầu với tiềm năng thống lĩnh thị trường trong vài năm.

Kiếm doanh thu từ nền tảng
Doanh thu của nền tảng đến từ việc chia sẻ với người dùng các giá trị được tạo thêm mới từ việc gia nhập, tương tác, và khai thác nền tảng của người dùng.

Giống như phát triển nền tảng, mô hình doanh thu, các dòng thu và mức phí trên nên tảng cần liên tục điều chỉnh để duy trì cân bằng và tối ưu.

Hình dung về các dòng doanh thu từ nền tảng nên được chuẩn bị càng sớm càng tốt ngay từ khi bắt đầu thiết kế nền tảng. Tuy nhiên, việc phải xây dựng nền tảng lại từ đầu để đảm bảo nền tảng vận hành với mô hình doanh thu hiệu quả hơn không gây ngạc nhiên.

Độ Mở Của Nền Tảng
Độ mở của nền tảng quyết định không chỉ phương thức quản trị, điều hành mà còn cả mô hinh kinh doanh của nền tảng. Không có một câu trả lời xác quyết về độ mở thế nào là đúng nhất hay hợp lý nhất. Độ mở của nền tảng được quyết định bởi (i) Sự tham gia của người phát triển và (ii) Sự tham gia của người dùng.

(i) Sự tham gia của người phát triển
Việc thiết kế và xây dựng một nền tảng bắt đầu từ tương tác cốt lõi. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều nền tảng mở rộng các loại tương tác khác tạo ra giá trị gia tăng cho người sử dụng và thu hút thêm những người tham gia khác. Những tương tác mới này do những người phát triển tạo ra – những người được cấp quyền tiếp cận với nền tảng và cơ sở hạ tầng của nó dù nhiều hay ít. Có ba dạng người phát triển: Người phát triển chủ chốt, người phát triển mở rộng, và người tập hợp dữ liệu.

1- Người phát triển chủ chốt tạo ra những chức năng nền tảng cốt lõi giúp cung cấp giá trị cho những người tham gia nền tảng. Những người phát triển này thường là nhân viên chính thức của công ty quản lý nền tảng. Công việc chính của họ là giúp nền tảng đến được tay người dùng và phân phối giá trị thông qua các công cụ và nguyên tắc giúp cho các tương tác cốt lõi trở nên dễ dàng và cùng thỏa mãn.

Những người phát triển chủ chốt chịu trách nhiệm đối với các chức năng cơ bản của nền tảng.

2- Người phát triển mở rộng có nhiệm vụ bổ sung các chức năng và giá trị cho nền tảng cũng như nâng cao các chức năng của nó. Họ thường là những đối tác bên ngoài, không phải là nhân viên của công ty quản lý nền tảng, họ luôn tìm cách để khai thác phần giá trị họ tạo ra và từ đó có được lợi nhuận từ những tiện ích họ cung cấp.

Những nền tảng lựa chọn mở rộng cửa đón chào những người phát triển mở rộng thường tạo ra một giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface, API). Đây là một trong những cách người quản lý nền tảng có thể dùng để quản lý truy cập mở tới hệ thống của nó. API là một bộ tiêu chuẩn các thủ tục, giao thức và các công cụ để xây dựng các ứng dụng phần mềm giúp các lập trình viên bên ngoài dễ dàng viết ra những mã lệnh có thể kết nối liên tục với cơ sở hạ tầng của nền tảng.

Một số công ty dựng lên các rào cản đối với người phát triển mở rộng không chỉ để bảo vệ chất lượng nội dung của nền tảng mà còn là để nỗ lực giữ kiểm soát dòng doanh thu mà nền tảng tạo ra.

3- Người tập hợp dữ liệu nâng cao chức năng kết nối của nền tảng bằng cách bổ sung dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Dưới sự cấp phép của các nhà quản trị nền tảng, họ “tập hợp” dữ liệu về người dùng nền tảng và những tương tác họ tham gia, rồi bán lại cho các công ty khác nhằm đạt được những mục đích khác, ví dụ như quảng cáo. Nền tảng có nguồn dữ liệu được tập hợp sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận thu được từ đây.

Khi các dịch vụ được cung cấp bởi những người tập hợp dữ liệu có thiết kế tốt, họ có thể tạo ra sự kết hợp giữa người dùng của nền tảng với người sản xuất, những người có sản phẩm và dịch vụ thu hút, mang lại giá trị tiềm ẩn cho họ.

Với những người phát triển, câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì sức mạnh của những người phát triển bên ngoài sẽ đe dọa đến các công ty nền tảng? Và nếu điều đó xảy ra, các nhà quản lý nền tảng nên đối phó như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào lượng giá trị mà một ứng dụng mở rộng cụ thể tạo ra. Nếu bạn là một nhà quản lý nền tảng, bạn sẽ không muốn để cho các tổ chức bên ngoài kiểm soát phần lớn lượng giá trị người dùng của nền tảng. Nếu có, bạn cần phải tiến hành giành lấy ngay quyền kiểm soát ứng dụng tạo giá trị, thông thường bằng cách mua lại ứng dụng hoặc công ty tạo ra nó. Mặt khác, khi một ứng dụng mở rộng bổ sung một lượng khiêm tốn giá trị gia tăng thì những người phát triển bên ngoài sẽ trở nên hoàn toàn an toàn và việc để cho người phát triển bên ngoài duy trì quyền kiểm soát ứng dụng đó thường mang lại nhiều hiệu quả tốt.

Có hai nguyên tắc mà những người quản lý nền tảng nên cân nhắc khi xem xét một ứng dụng mở rộng có đủ khả năng đe dọa sức mạnh kinh tế của họ hay không. Đầu tiên, nếu một ứng dụng cụ thể nào đó có tiềm năng trở thành một nền tảng mạnh, nhà quản lý nền tảng nên tìm cách sở hữu nó hoặc thay thế nó bởi một ứng dụng nằm trong quyền kiểm soát của nền tảng. Thứ hai, nếu như một tính năng cụ thể được đổi mới bởi những người phát triển mở rộng và nhanh chóng lan truyền bởi người dùng nền tảng thì người quản lý nền tảng nên mua lại chức năng này và đưa nó vào sử dụng thông qua một API mở.

(ii) Sự tham gia của người dùng
Nhà quản lý nền tảng cần kiểm soát sự tham gia của người dùng – cụ thể là độ mở của nhà sản xuất, tức quyền tự do bổ sung nội dụng cho nền tảng. Nên nhớ rằng, nhiều nền tảng được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi vai trò, cho phép người dùng trở thành người sản xuất, và ngược lại. Vì thế, chính những người dùng cá nhân tiêu thụ các đơn vị giá trị của nền tảng cũng có thể tạo ra các đơn vị giá trị cho người khác tiêu thụ.

Mục tiêu của nền tảng trong việc mở ra cho những người dùng này là để tạo điều kiện sáng tạo và cung cấp càng nhiều nội dung chất lượng cao càng tốt. Đương nhiên, quy định này – tức mục tiêu phải phát triển nội dung chất lượng cao này – là lý do khiến hầu hết các nền tảng từ chối mở tuyệt đối nhằm quản lý sự tham gia của người dùng.

Sự quản lý có thể được thực hiện thông qua người gác cổng hay người kiểm duyệt – những người kiểm tra người dùng, chỉnh sửa nội dung, và đưa ra những phản hồi có tác dụng nâng cao chất lượng. Những nền tảng truyền thông như blog hay tạp chí trực tuyến thường sử dụng loại hệ thống này. Tuy nhiên, việc sử dụng người kiểm duyệt có chuyên môn tốn nhiều thời gian và chi phí của các công ty nền tảng. Một hệ thống tốt hơn, mặc dù có thể khó thiết kế và thực hiện hơn – sẽ dựa vào chính người dùng để quản lý nền tảng, thường dùng các công cụ phần mềm để thu thập và tổng hợp phản hồi nhanh chóng, rồi mới đưa ra các quyết định quản lý.

Không có hệ thống quản lý nào là không thể đánh lừa. Đó là khi các công cụ quản lý đưa ra quyết định sai lầm về độ mở của nền tảng, khiến những công kích tiềm ẩn hay thậm chí các nội dung nguy hiểm có thể bị bỏ qua. Khi các công cụ quá hạn chế, những người dùng có giá trị và nội dung thích hợp có thể bị lọc bỏ hay bị cảnh cáo – chẳng hạn khi các thuật toán mạng xã hội có ý định loại bỏ hình ảnh khiêu dâm trên các nguồn tài liệu giáo dục có chủ đề nhận thức về ung thư vú. Những người quản lý nền tảng cần hy sinh một khoảng thời gian và nguồn lực đáng kể – bao gồm trực tiếp kiểm tra và tự mình đánh giá – để tiếp tục kiểm soát ranh giới giữa mở và đóng của nền tảng, đồng thời đảm bảo cho chúng được thiết lập một cách thích hợp.

Quản Trị Tốt
Các tác giả đưa ra ba quy tắc cơ bản về quản trị tốt:

  1. Luôn tạo ra giá trị cho người tiêu dùng
  2. Không dùng sức mạnh của mình để thay đổi các quy tắc theo hướng có lợi cho riêng mình
  3. Không lấy nhiều hơn phần lợi nhuận hợp lý của mình

Học giả luật hiến pháp Lawrence Lessig giới thiệu hệ thống kiểm soát quá trình quản trị gồm bốn bộ công cụ: (i) Luật, (ii) Quy tắc, (iii) Kiến trúc, và (iv) Thị trường.

Luật. Có nhiều đạo luật đã được các quốc gia viết ra và thi hành – luật ở đây mang đúng ý nghĩa truyền thống – có thể áp dụng cho các doanh nghiệp nền tảng và những người tham gia vào đó. Đôi khi việc áp dụng các điều luật như vậy rất phức tạp. Ví dụ, những hình phạt hợp pháp thường để giải quyết vấn đề rủi ro theo cách truyền thống. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt này đòi hỏi phải xác định được ai chịu trách nhiệm về các vấn đề phát sinh và ai phải chịu trách nhiệm khi thiết lập các biện pháp, điều này không phải lúc nào cũng đơn giản hay dễ dàng. Trong một nền tảng, “luật là các quy tắc rõ ràng, ví dụ như các điều khoản dịch vụ do luật sư soạn thảo hoặc các quy tắc về hành vi của các bên liên quan được các nhà thiết kế nền tảng soạn thảo ra.” Những luật này giúp tiết chế hành vi ở cả mức độ người dùng và hệ sinh thái. Như thế, nguyên tắc cơ bản là đưa ra phản hồi cởi mở, nhanh chóng khi áp dụng các điều luật thưởng cho hành vi tốt, nhưng chỉ nên phản hồi mơ hồ, chậm trễ khi áp dụng luật trừng phạt với hành vi xấu.

Quy tắc. Một trong những tài sản lớn nhất của bất kỳ nền tảng nào, hay chính xác hơn là bất kỳ nền kinh doanh nào cũng có thể có, chính là một cộng đồng tận tụy. Điều này không phải ngẫu nhiên mà có. Các cộng đồng mạnh được nuôi dưỡng bởi các nhà quản lý nền tảng lão luyện nhằm phát triển các quy tắc, văn hóa và kỳ vọng từ đó tạo ra các nguồn giá trị trường tồn. Ai cũng mong muốn có được những người dùng tham gia định hình hệ thống quản trtrijElinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế, đã quan sát thấy rằng, việc tạo dựng và kiểm soát thành công các sản phẩm công cộng dựa vào cộng đồng luôn đi theo một số mô hình thường lệ. Ranh giới được xác định rõ cho phép phác họa ai có quyền và ai không có quyền hưởng lợi ích từ cộng đồng. Những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định cho thấy tài nguyên nào mới thích hợp trên nền tảng sẽ nhận ra những kênh có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Những người giám sát hành vi của thành viên cộng đồng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Các hình phạt nặng dần áp dụng cho những người vi phạm luật lệ của cộng đồng. Các thành viên có quyền truy cập vào hệ thống giải quyết tranh chấp với chi phí thấp. Và khi các nguồn lực cộng đồng phát triển, quản trị nên được cấu trúc theo các cấp độ lồng nhau, các vấn đề đơn giản được kiểm soát bởi các nhóm người dùng địa phương quy mô nhỏ, và các vấn đề mang tính toàn cầu, ngày càng phức tạp hơn sẽ do các nhóm được tổ chức chính thức và lớn hơn quản lý. Các quy định xuất hiện trên các cộng đồng nền tảng thành công thương tuân theo các kiểu mẫu như Ostrom mô tả.

Kiến trúc. Trong thế giới kinh doanh nền tảng, “kiến trúc” cơ bản là nói đến mã lập trình. Hệ thống phần mềm được thiết kế tốt đang tự cải thiện: chúng khuyến khích và khen thưởng cho hành vi tốt, do đó, tạo ra nhiều hành vi tương tự hơn.

Một trong những hình thức sáng tạo nhất về kiểm soát kiến trúc từng được phát minh là blockchain. Blockchain là một sổ cái công khai được phân phối cho phép lưu trữ dữ liệu trong một thùng chứa dữ liệu gắn liền với các thùng chứa dữ liệu khác. Dữ liệu có thể là bất cứ thứ gì: bằng chứng về ngày phát minh của một sáng chế, tiêu đề của một chiếc xe, hoặc đồng tiền kỹ thuật số. Bất kỳ ai cũng có thể xác minh rằng bạn đã đặt dữ liệu vào thùng chứa bởi vì nó có chữ ký công khai của bạn, nhưng chỉ có khóa cá nhân của bạn mới có thể mở nó để xem hoặc chuyển nội dụng. Giống như địa chỉ nhà riêng của bạn, thùng chứa blockchain thuộc về bạn, có tính công khai và có thể xác minh được, nhưng chỉ có những người mà bạn cho phép mới có chìa khóa để truy nhập mà thôi. Giao thức blockchain hiện thực hóa việc quản trị phân quyền. Thông thường, khi bạn ký một hợp đồng, bạn phải tin tưởng vào đối phương, từ đó tuân theo các điều khoản hoặc dựa vào một cơ quan trung ương như nhà nước, hoặc một dịch vụ bảo chứng, để thi hành thỏa thuận. Quyền sở hữu blockchain công cộng cho phép chúng ta soạn thảo các hợp đồng thông minh tự động chuyển nhượng quyền sở hữu khi các điều khoản hợp đồng được kích hoạt. Không bên nào có thể quay lại vì mã lệnh chạy theo kiểu phân quyền công khai không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ bên nào. Nó chỉ đơn giản thực thi lệnh. Những hợp đồng mang tính tự thực thi thông minh này thậm chí có thể trả công cho mọi người theo kết quả công việc của họ, trên thực tế, máy móc thuê con người, chứ không phải ngược lại trong trường hợp này.

Thị trường. Các thị trường có thể quản trị hành vi thông qua việc sử dụng thiết kế cơ chế và các ưu đãi khác nhau, không những là tiền, mà còn có ba yếu tốt động lực của con người có thể được tóm gọn trong niềm vui, danh vọng và tài sản. Trên thực tế, ở nhiều nền tảng, tiền bạc là thứ ít quan trọng hơn rất nhiều so với hình thức giá trị vô hình, hình thức chủ quan của giá trị được gọi là công nhận xã hội. Ý tưởng phía sau sự cộng nhận xã hội là cho đi để nhận lại. Sự công nhận xã hội được đo bằng giá trị kinh tế của một mối quan hệ, bao gồm sự yêu thích và sẻ chia.

Hai nguyên tắc quản trị thông minh dành cho nền tảng: Minh bạch nội bộ & Sự Tham gia

Minh bạch Nội bộ. Trong các công ty nền tảng, cũng như trong hầu hết các tổ chức, các bộ phận hoặc phòng ban có xu hướng “tách biệt” nhau, nhằm phát triển các quan điểm, ngôn ngữ, hệ thống, quy trình và công cụ riêng biệt, gây khó hiểu với người bên ngoài, hay thậm chí là những người ở bộ phận khác của cùng một công ty. Điều này khiến cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp, có quy mô lớn, liên quan tới hai bộ phận trở nên rất khó khăn, vì các thành viên của các nhóm không có cùng tiếng nói và bộ công cụ chung. Nó cũng gây khó khăn cho những người ngoài, bao gồm cả những người sử dụng và các nhà phát triển khi muốn làm việc hiệu quả với đội ngũ quản lý của nền tảng. Để tránh kiểu rồi loạn chức năng này, các nhà quản lý nền tảng cần cố gắng đưa cho tất cả các bộ phận một cái nhìn rõ ràng về toàn bộ nền tảng. Sự minh bạch đó sẽ giúp thúc đẩy tính nhất quán, giúp mọi người phát triển và sử dụng các nguồn lực quan trọng và tạo điều kiện tăng trưởng quy mô.

Sự tham gia. Điều cốt yếu với các nhà quản lý nền tảng là đề cao tiếng nói của các đối tác bên ngoài và các bên có liên quan trong các quá trình ra quyết định nội bộ ngang hàng với các bên liên quan bên trong. Nếu không, các quyết định được đưa ra chắc chắn có xu hướng ủng hộ cho chính nền tảng này, cuối cùng điều này sẽ khiến các đối tác bên ngoài không hài lòng và khiến họ từ bỏ nền tảng.

Quản trị công bằng và chính đáng có thể tạo ra sự thịnh vượng.

Sự công bằng giúp kiếm ra tiền theo hai cách. Thứ nhất, nếu bạn đối xử công bằng với mọi người, họ có thể sẽ chia sẻ những ý tưởng của họ. Có nhiều ý tưởng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hòa trộn, kết nối và tạo thành những cải tiến mới. Thứ hai, Marshall Van Alstyne đã chính thức chỉ ra rằng, quản trị công bằng dẫn dắt người tham gia thị trường phân bổ các nguồn lực của họ một cách khôn ngoan và hiệu quả hơn.

Lưu ý rằng, sự không công bằng không phải luôn luôn tạo ra sự thịnh vượng hay sự thịnh vượng không bao giờ có thể được tạo ra mà không có công bằng. Apple và Facebook, cùng nhiều công ty khác, ở nhiều thời điểm, đã đối xử tệ với cộng đồng của họ tuy nhiên vẫn phát đạt về tài chính. Nhưng về lâu dài, việc thiết kế đảm bảo sự công bằng của người tham gia vào quá trình quản trị hệ sinh thái sẽ thúc đẩy người dùng tạo ra nhiều sự giàu có hơn, nếu các quy tắc cho phép một chủ sở hữu nền tảng có khả năng tự ý đưa ra các quyết định mà không phải chịu trách nhiệm giải trình. Nhiều nhà quản lý nền tảng chọn những nguyên tắc quản trị có lợi cho mình hơn người dùng của họ. Tuy nhiên, những nền tảng nào tôn trọng người dùng nhiều hơn có thể mong đợi nhiều thứ hơn từ người dùng của họ, với những lợi ích cuối cùng dành cho tất cả.

Quản trị sẽ không hoàn hảo mãi. Dù các quy tắc có như thế nào đi nữa thì các đối tác cũng sẽ tìm ra những hình thức mới có lợi thế cho mình. Sẽ luôn có thông tin bất đối xứng và các tác động bên ngoài. Các tương tác qua lại dẫn đến những rắc rối và từ đó dẫn đến sự can thiệp, để rồi lại dẫn đến những rắc rối mới. Thật vậy, nếu quản trị tốt cho phép các bên thứ ba đổi mới, thì khi họ tạo ra các nguồn giá trị mới, đồng thời cũng sẽ tạo ra những cuộc đấu tranh mới để kiểm soát giá trị đó.

Khi những xung đột như thế nổi lên, các quyết định quản trị nên nghiêng về phía các nguồn giá trị mới lớn nhất hoặc theo hướng thị trường được dẫn dắt, chứ không phải theo hướng nó đã từng đi. Những công ty chọn lựa chỉ bảo vệ thứ tài sản già cỗi của họ, như Microsoft đã làm, sẽ bị trì trệ. Do đó, cơ chế quản trị phải có khả năng tự phục hồi và thúc đẩy sự phát triển. Quản trị tinh vi đạt hiệu quả ở mức “thiết kế để tự thiết kế,” tức khuyến khích các thành viên của nền tảng hợp tác tự do và mạnh dạn thử nghiệm để cập nhật các quy tắc cần thiết.

Quản trị không nên tĩnh. Khi có dấu hiệu sẽ sớm có sự thay đổi, chẳng hạn như hành vi mới của người dùng nền tảng, các cuộc xung đột ngoài dự kiến giữa họ, hay sự xâm lấn thị trường từ những đối thủ mới, thông tin về sự thay đổi cần được lan truyền cho toàn tổ chức một cách nhanh chóng, khuyến khích các cuộc trò chuyện sáng tạo về việc hệ thống quản trị cần có khả năng phản hồi như thế nào.

Không quan trọng nền tảng của bạn đang thuộc loại kinh doanh hay hệ sinh thái xã hội nào, nó sẽ luôn bao gồm cả những phần chuyển động nhanh và những phần chuyển động chậm. Hệ thống quản trị thông minh phải đủ linh hoạt để đáp ứng cả hai.

Các Chỉ Số Theo Dõi Vòng Đời Của Nền Tảng
Peter Drucker phát biểu “What gets measured get managed,” có nghĩa “cái gì đo lường được thì quản trị được.” Hẳn nhiên, các nhà lãnh đạo và phát triển nền tảng muốn quản trị sự vận hành và phát triển của nền tảng theo cách họ mong muốn. Các chỉ số theo dõi vòng đời của nền tảng làm nhiệm vụ cung cấp thông tin đầu vào cho các quyết định quản trị.

Không có một bộ chỉ số hoàn hảo cho mọi nền tảng. Cũng không có những tham số tiêu chuẩn cho mọi nền tảng. Và sau cùng, bộ chỉ số theo dõi với một nền tảng không cố định mà biến đổi theo giai đoạn phát triển của nền tảng. Các tác giả chia ba giai đoạn phát triển của nền tảng.

(1) Giai đoạn khởi nghiệp. Đây là giai đoạn nền tảng mới ra đời và cần chứng minh giá trị, sự hữu ích của mình. Lúc này, các công ty nền tảng tập trung vào các chỉ số theo dõi sức mạnh của đặc tính cho phép những tương tác cốt lõi trên nền tảng xảy ra tích cực. Chỉ số có thể bao gồm: tính thanh khoản, sự kết hợp người dùng, và lòng tin.

(2) Giai đoạn phát triển. Đây là giai đoạn nền tảng cần tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, các chỉ số tập trung vào tác động đến sự phát triển và tăng cường giá trị, bên cạnh các chỉ số đo lường kết quả kinh doanh truyền thống.

(3) Giai đoạn lớn mạnh. Đây là giai đoạn nền tảng cần điều chỉnh, cải tiến, gia tăng sức cạnh tranh. Khi đó, chỉ số tập trung vào số lượng và tốc độ đổi mới của nền tảng.

 Những ngành công nghiệp sớm nhìn thấy sự tác động của nền tảng, gồm:

  • Giáo dục
  • Y tế
  • Năng lượng
  • Tài chính & Bảo hiểm
  • Logistics & Vận tải
  • Dịch vụ Lao động & Việc làm
  • Chính phủ
  • IoT

6 comments

Leave a comment