Lý Thuyết Khởi Nghiệp Về Nhận Biết Và Nắm Bắt Cơ Hội Kinh Tế

7 April 2019 | Nhận biết cơ hộidám chấp nhận rủi ro để nắm bắt thời cơ, chuyển cơ hội thành lợi nhuận kinh doanh thực sự là những đặc tính cốt yếu nhất của tinh thần khởi nghiệp. Cần phân biệt rằng, người khởi nghiệp sẵn sàng đương đầu với rủi ro nhưng đó là quyết định được cân nhắc và tính toán cẩn trọng. Rủi ro chỉ được chấp nhận với điều kiện phần thưởng lợi nhuận khi vượt qua thách thức đủ lớn. Đây chính là điểm khác biệt giữa quyết định kinh doanh khởi nghiệp với quyết định kinh doanh liều lĩnh, kiếm lời bằng mọi giá.

Rothbard (1985,[1]) đối chiếu hai hướng phân tích cơ bản quanh khái niệm “cơ hội” trong trường phái kinh tế Áo của Mises và Kirzner.

Mises quan niệm người khởi nghiệp là những người dám chấp nhận bất trắc, nhận được lợi nhuận từ mức độ thành công trong dự báo tương lai, và chịu đựng thua lỗ khi có dự báo tồi. Lợi nhuận từ những khoản đầu tư thành công tại các sàn giao dịch cổ phiếu hay hàng hóa là ví dụ điển hình của dự báo thành công. Hơn thế, người đầu cơ trên thị trường phải gánh chịu những tổn thất rất rõ ràng khi ước tính có sai số nhiều hơn những người xung quanh. Mises cũng chỉ ra rằng thị trường, xét như một tổng thể toàn diện, ghi nhận những tình huống tương tự. Người khởi nghiệp mua nguyên liệu sản xuất, thuê lao động, xây nhà xưởng… và bởi thế mà gánh lấy chi phí làm ra các sản phẩm có thể được tiêu dùng trong tương lai. Người khởi nghiệp kỳ vọng những hàng hóa này sẽ được thị trường chấp nhận và doanh số bán hàng sẽ lớn hơn chi phí đầu tư và sản xuất đã bỏ ra. Phần chênh lệch đó chính là lợi nhuận.

Mặt khác, Kirzner đề cao sự tỉnh táo và khôn ngoan của những người khởi nghiệp và dường như không bận tâm tới tính bất trắc. Kirzner nhấn mạnh rằng người khởi nghiệp cũng giống như một người bình thường, khi nhìn thấy tờ 10 USD trước mặt sẽ nhận thức ngay được sự tồn tại của đồng tiền và lập tức nhặt lấy nó. Người có năng lực nhận thức tốt sẽ hành động nhanh và dứt khoát. Những người nhận thức kém hơn sẽ cần thêm thời gian để nhìn ra cơ hội của mình. Vấn đề ở đây là, như Hebert đã đề cập (Rothbard, 1985), rất khó xác định phần thua lỗ thực sự của những người có chất lượng nhận thức kém. Với ví dụ trên, trong trường hợp xấu nhất, người không có khả năng nhìn ra cơ hội sẽ không nhặt tờ 10 USD lên. Vậy sau đó, anh ta đã thực sự mất mát gì? Hơn thế, khi tập trung vào năng lực nhận ra cơ hội, Kirzner nhấn mạnh chất lượng của nhận thức và tư duy với một cơ hội đã sẵn sàng và đang tồn tại đâu đó trên thị trường. Vậy còn tính sáng tạo – đặc điểm không thể thiếu trong mỗi người khởi nghiệp?

Trên thực tế, mọi cơ hội lợi nhuận đều bất trắc và không như những thực thể đang thực sự tồn tại, lợi nhuận luôn phải đối diện với bất trắc. Rothbard tin rằng chỉ có sự nhanh nhạy và khôn ngoan trong phát hiện cơ hội thị trường là chưa đủ.

Ví dụ đầu tiên của Mises có phần thiếu rõ ràng khi kết nối nhà tư bản với người khởi nghiệp trong cùng đặc tính chấp nhận bất trắc. Tuy nhiên, trong trước tác đồ sộ Human Action (1966) của mình, bản thân Mises đã nhiều lần phân tích người khởi nghiệp như một thực thể kinh tế hoàn toàn độc lập. Các phân tích của Mises về đặc trưng của người khởi nghiệp cũng không chỉ duy nhất có khía cạnh dự báo hoạt động của nhà tư bản và người lao động. Rothbard không ủng hộ quan điểm lý thuyết nhận thức khởi nghiệp mà Kirzner phát triển. Dòng tư tưởng của Mises tiếp tục được G. L. S. Shackle, Lachmann và nhiều người khác phát triển theo hướng không những coi sự bất trắc là điều phố biến trên thị trường, mà thậm chí còn cho rằng không thể phát biểu thị trường có xu hướng tìm tới trạng thái cân bằng – xu thế được thúc đẩy bởi các tín hiệu lỗ và lãi trên thị trường. Với Lachmann, kỳ vọng và do đó các hành động trên thị trường mang tính ngẫu nhiên nhiều hơn là phản ứng với tín hiệu thị trường.

Theo phương pháp luận tân cổ điển, sản phẩm được sản xuất ra bằng cách kết hợp các yếu tố đầu vào sản xuất, cách suôn sẻ nhất để tạo ra tiến bộ công nghệ chính là sản sinh ra công nghệ mới. Nghiên cứu và phát triển (R&D) được triển khai bằng việc kết hợp các nguồn lực đất đai, lao động và tư bản, để tạo nên những thay đổi tiến bộ công nghệ-kỹ thuật. Rõ ràng không ai có thể bác bỏ những thành công nhờ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhưng bản thân việc chi tiêu cho R&D chỉ là một phần câu chuyện. Một khi nghiên cứu đã hoàn tất, các kết quả nghiên cứu cần được ứng dụng vào thực tế để tạo ra các công đoạn sản xuất có giá thành thấp hơn, hoặc thậm chí còn bí ẩn hơn, kết quả nghiên cứu cần phải sản xuất ra các hàng hóa-dịch vụ mà trước đó chưa từng được sinh ra trên đời. Đây chính là vai trò của khởi nghiệp.

Kirzner mô tả những người khởi nghiệp kinh doanh là những người có đủ khả năng nhạy bén để phát hiện được các cơ hội lợi nhuận mà trước đó chưa bị phát hiện ra, thế rồi tận dụng các cơ hội đó. Theo cách Kirzner mô tả, quá trình khởi nghiệp liên quan chặt chẽ tới khả năng phát hiện và chú ý tới những thứ mà không ai trước đó từng chú ý. Tuy nhiên, một số người có năng lực và ở vị trí quan sát một số kiểu cơ hội lợi nhuận nhất định tốt hơn những người khác. Ví dụ, những người được đào tạo tốt về kỹ thuật cơ khí sẽ có khả năng tìm được cơ hội lợi nhuận tiềm năng trong việc thiết kế động cơ đốt trong tốt hơn nhiều so với một luật sư. Một người chưa bao giờ tới bãi biển sẽ khó nắm bắt được cơ hội bán kem hoặc mở cửa hàng bán áo phông trên bãi biển. Những người thường xuyên đi lại sẽ nhận thấy những thiết bị, dịch vụ hữu ích xuất hiện ở nơi này mà chưa có ở nơi kia, có thể tạo ra cơ hội lợi nhuận.

Sự nhạy bén khởi nghiệp bản thân nó chẳng liên quan gì tới kiến thức, và sự nhạy bén này không gây tốn kém chi phí gì cả, theo nghĩa là, “nhạy bén” không cần phải sử dụng nguồn lực gì. Tuy nhiên, những hoạt động trong quá khứ của một cá nhân lại có ảnh hưởng mật thiết tới năng lực của cá nhân đó trong việc nắm bắt một cơ hội lợi nhuận khi cơ hội đó xuất đầu lộ diện. Tất cả mọi người đều có những kiến thức cụ thể đối với những loại hoạt động của mình — kiến thức có tính thời gian và không gian đặc thù mà không nhất thiết những người khác có thể chia sẻ cùng.

Chính những hiểu biết này khiến cho năng lực quan sát các cơ hội của mọi người rất khác nhau. Chẳng hạn, chẳng có gì trùng hợp hay ngẫu nhiên khi người sáng tạo ra con chip vi xử lý là một kỹ sư điện, chứ không phải một nhà thơ. Tất nhiên, kiến thức bản thân nó không tạo ra nhận thức khởi nghiệp, nhưng kiến thức tạo ra cơ hội để quan sát thấy những thứ mà trước kia chưa ai chú ý do thiếu loại kiến thức cần thiết. Điều này tạo ra sự kết nối giữa kiến thức kiểu Hayek và quá trình khởi nghiệp kiểu Kirzner. Lý thuyết kinh tế đã khiến cho nhiều kinh tế gia bị định kiến về cơ hội lợi nhuận sai lầm, bởi lẽ tại điểm cân bằng cạnh tranh tân cổ điển, mọi cơ hội lợi nhuận đều biến mất do quá trình cạnh tranh.

Trên thực tế, hầu hết các cơ hội tạo lợi nhuận mà các nhà khởi nghiệp quan sát thấy được đều là cơ hội mới. Điều này vẫn đúng cho dù thành công của khởi nghiệp xảy ra ngoạn mục hay chỉ xoàng xoàng. Hãy quan sát những sản nghiệp lớn của Hoa Kỳ trong lịch sử.

Andrew Carnegie có thể tạo dựng nên được nền móng của tập đoàn thép US Steel nhờ việc tận dụng được quy trình sản xuất Bessemer vừa mới ra đời. John D. Rockefeller phát triển được Công ty dầu lửa Standard Oil Company nhờ việc ông có thể kiểm soát được hệ thống phân phối, thời kỳ đó hoàn toàn phụ thuộc vào những hạ tầng đường sắt mới được xây dựng. Các dây chuyền sản xuất của Henry Ford chỉ trở thành khả thi khi mà thị trường xe hơi đã phát triển đủ lớn. Sản nghiệp của Bill Gates tăng lên theo sự phát triển của ngành công nghệ máy tính cá nhân (PC).

Chẳng có ai trong số này tự mình sản sinh ra được các công nghệ mà nhờ đó làm cho họ trở nên giàu có. Mấu chốt ở chỗ, họ có hiểu biết giúp họ tận dụng được cơ hội khởi nghiệp nào đó.

Dẫu vậy, lưu ý rằng trong mỗi tình huống như thế, thường có một cơ hội khởi nghiệp vừa mới được xuất hiện, và cơ hội đó thật không may chỉ ở trạng thái ít được nhận biết trong khoảng thời gian ngắn thôi, trước khi các nhà kinh doanh lập tức nắm bắt nó. Các cơ hội lợi nhuận đâu có nằm lăn lóc chờ chúng ta tới lượm nó đi. Ngược lại, chúng xuất hiện bất ngờ và các nhà khởi nghiệp liền lao tới ẵm chúng đi để có thể tận dụng cơ hội.

Vậy cơ hội khởi nghiệp sinh ra từ đâu?
Phần nhiều những cơ hội đó sinh ra từ hoạt động của những nhà khởi nghiệp khác. Henry Ford không thể thành công lớn lao trong ngành sản xuất ô-tô công nghiệp đại qui mô cho tới khi cả một thị trường lớn được hình thành, bao gồm cả hệ thống hạ tầng đường xá giao thông, các trạm bán xăng, và những cơ sở sửa chữa máy móc, xe cộ. Bill Gates không thể kiếm bộn tiền như thế nếu không có Steve Jobs trước đó đã nhìn thấy cơ hội sản xuất và bán máy tính cá nhân. Ngay bản thân Steve Jobs tài năng cũng không thể lắp ráp được máy tính cá nhân nếu ông giáo sư Gordon Moore không sáng tạo ra con chip vi xử lý.

Khi các nhà khởi nghiệp tận dụng các cơ hội tạo lợi nhuận, họ lại tạo ra các cơ hội khởi nghiệp mới mà những người khác có thể nhanh chóng nắm bắt và tận dụng tiếp. Quá trình khởi nghiệp theo cách này đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp tiếp theo ngày càng phát triển mạnh hơn.

Cơ hội khởi nghiệp có xu hướng xuất hiện trong bối cảnh thời gian-không gian cụ thể nhất định, vì thế theo Hayek (2009[1941],[2]) một nền kinh tế có mức độ tập trung thấp cho phép các cá nhân hoạt động kinh doanh dựa trên hiểu biết khởi nghiệp, rồi tưởng thưởng cho hành vi khởi nghiệp, sẽ làm sản sinh ra một môi trường xã hội thúc đẩy các tư tưởng khởi nghiệp ngày càng dồi dào. Nhìn vào cách thức này, quá trình khởi nghiệp là nền móng của tăng trưởng kinh tế. Các tư tưởng và kiến thức khởi nghiệp tạo ra nền móng để tiếp tục sản sinh ra tư tưởng và kiến thức mới, cứ thế chúng thúc đẩy quá trình tăng trưởng.

Schumpeter (2008[1934], p.154,[3]) bàn về một bối cảnh trong đó mọi lợi nhuận bị tối thiểu hóa do cạnh tranh tại điểm cân bằng cạnh tranh, và một bối cảnh khác, trong đó lợi nhuận tạo ra chính là trả công cho “công việc khởi nghiệp.” Ông nói “Không có sự đầu tư cho phát triển cũng sẽ không thể có lợi nhuận, mà không có lợi nhuận thì đừng hi vọng phát triển.”

Chú thích:
[1] Murray N. Rothbard, “Professor Heberd on Entrepreneurship,” The Journal of Libertarian Studies, Vol. 7, No. 7, 1985
[2] Friedrich A. Hayek, The Pure Theory of Capital, The Ludwig von Mises Institute, Auburn, Alabama, 2009 [1941]
[3] Joseph A. Schumpeter, The Theory of Economic Development, Transaction Publishers, Rutgers, New Jersey, 2008[1934]

One comment

  1. […] giá trị mới, (ii) sẵn sàng chấp nhận bất trắc của thị trường, và (iii) nỗ lực phát triển năng lực nắm bắt và hiện thực cơ hội kinh doanh – tham gia, thậm chí là gắn bó, với hệ sinh thái khởi nghiệp đang trở thành […]

    Like

Leave a comment